Scientific Peer Review


Tất cả bắt đầu với một (nhóm) người và công trình nghiên cứu của họ trong một lĩnh vực khoa học nào đó.

Về mặt lý thuyết thì người ta có thể tự do nghiên cứu một vấn đề rồi ứng dụng thành quả của nó vào trong thực tiễn và quá trình này có thể được tiến hành độc lập mà không cần được xem xét hay thông qua bởi ai cả. Điều này thì vô tư thôi nhưng ai dám đảm bảo là công trình đó không có khiếm khuyết, chủ-quan duy-ý-chí hay nội dung trong đó không sao chép của người khác? Chính vì vậy, một hệ thống và quy trình bình duyệt (peer review) các đề tài nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà còn trong nhiều mặt khác của đời sống.

Ví dụ, đề án đường sắt cao tốc Bắc Nam với nguồn vốn đầu tư chỉ 55,85 tỉ USD với thời gian hoàn thành mất 25 năm để giúp VN tiến nhanh hơn và xa hơn trên con đường tiệm cận với văn minh nhân loại với một số lập luận rằng các nước IQ cao đều có đường sắt cao tốc… đã không được TTCP phê duyệt. Đó là nhờ kết quả bỏ phiếu của QHVN với nghị gật chiếm thiểu số, một ví dụ về peer review tốt. Hay như trường hợp năm 2005 của TS. Hwang thì người ta đã phát hiện rằng trong công trình Tế bào gốc của ông – được cho là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vì sẽ giúp điều trị được các bệnh khó chịu như tiểu đường – có chứa các dữ liệu ngụy tạo. Sau đó, ông cũng lên tiếng thừa nhận và qua chuyện này thì công luận báo giới đặt ra các câu hỏi cho Science, tạp chí uy tín của Mỹ đã công bố nghiên cứu của TS. Hwang, một trường hợp peer review chưa tốt.

Thực tế là scientific peer review, một góc quan trọng của nền khoa học thế giới, đã trưởng thành trong suốt hơn 300 năm qua. Nhưng tại sao NKH nên đưa công trình của mình ra trước một hội đồng peer review gồm những người am hiểu trong cùng lĩnh vực nghiên cứu? Bởi vì, ngoài mục đích tránh các sai sót nếu có thì kết quả của peer review nếu được chấp thuận thì thường dẫn nghiên cứu tới chỗ được công bố rộng rãi và xuất hiện trên một tạp chí khoa học uy tín nào đó. Điều này sẽ mang lại ba hệ quả tích cực là:

(1) đây là hình thức vinh danh, công nhận chính thức thành quả nghiên cứu
(2) nhiều người biết tới sẽ làm tăng cơ hội cho NKH nhận được nguồn tài trợ làm nguồn sống để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khác và
(3) phổ biến kiến thức tới mọi người làm tiền đề cho các phát hiện xuất sắc hơn.

Đối với dân khoa học là vậy, còn với người tiêu dùng thường hằng ngày coi thông tin tổng hợp trên báo TTO hay VNEx thì một kết quả peer review tốt dẫn tới khả năng họ sẽ được hưởng các sản phẩm tốt từ ứng dụng nghiên cứu đó trong tương lai, chỉ vậy là đủ.

Về các dạng peer review thì thường gồm ba loại là:

(1) single-bind review: tức là những người tham gia vào hội đồng đánh giá (reviewer hay referee) sẽ biết được nhận dạng (tên, tuổi, quê quán, nơi công tác,…) của tác giả có nghiên cứu (author) mà họ đang xem xét, nhưng ngược lại thì không. Điều này là nhằm tránh chuyện author nếu nhận được bình phẩm không hay sẽ quay ra chỉ trích, hành động thiếu suy nghĩ đối với reviewer.

(2) double-bind review: tức là cả hai bên, reviewer và author, đều không biết về thân thế của nhau. Điều này làm cho bên review tập trung hơn, công tâm hơn trong vấn đề đánh giá nội dung của nghiên cứu thay vì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như định kiến về author là không được có tật ăn thịt chó.

(3) open peer review: cả hai phía sẽ nhận dạng được nhau và cần có ý thức trách nhiệm đối với những cái mà mình đang làm, loại này là phổ biến hơn cả.

Từ góc nhìn của những nhà tư tưởng có tính phê phán thì đâu đó trong quá trình peer review tồn tại một số mặt điểm cần lưu ý để hạn chế, cụ thể:

(1) Chất lượng của peer review: làm sao đảm bảo rằng reviewer có đủ năng lực bình duyệt, kết quả không còn sai sót? Ngoài tình huống của Mr. Hwang kể trên thì có một nghiên cứu của BMJ (British Medical Journal) cho thấy thực sự vấn đề này cần được xem xét kỹ. Theo đó BMJ lấy một paper đã được đăng trên tạp chí của họ và cố tình chêm vào 8 lỗi. Sau đó, họ gửi paper này cho 420 reviewer và kết quả thống kê làm ngạc nhiên nhiều người: con số lỗi trung bình của 221 người phản hồi review chỉ là 2 lỗi, không ai tìm thấy nhiều hơn 5 lỗi và có 16% trong số đó (221/420) không tìm thấy bất kỳ lỗi nào.

(2) Thời gian của peer review: điều này thường sẽ kéo dài thời gian công bố và ứng dụng của nghiên cứu, dĩ nhiên, nhưng là cần thiết đối với các nghiên cứu có tầm hưởng ảnh hưởng lớn như các vấn đề về y tế sức khỏe.

(3) Các mặt trái khác của peer review: liệu có tránh hoàn toàn được chuyện reviewer đánh giá không khách quan giá trị của nghiên cứu vì nhận thấy nó thách thức, đối lập với suy nghĩ hay nghiên cứu khác của mình? Tất nhiên là giữa muôn trùng vạn trạng tính cách của con người thì câu trả lời là Không.

Cuối cùng, về tổ chức và quy trình peer review thì tùy vào từng hệ thống của từng tổ chức, tạp chí khoa học sẽ có cách thức khác nhau. Ở đây sẽ không nêu chi tiết, những vấn đề khác có thể tham khảo thêm các bài ở trang này hoặc này.

-mt.

Leave a comment